Nếu đã từng ghé qua Tây Bắc hay thử những món ngon đặc sản nơi đây thì chắc bạn sẽ rất ấn tượng với hương vị đặc trưng. Thứ hương vị mà không nơi nào khác có được. Và bí quyết để làm nên điều đó chính là hạt mắc khén, thứ gia vị linh hồn cho mỗi món ngon của người Tây Bắc.
Nếu so với miền xuôi thì gia vị muối, đường sẽ không thể thiếu khi nấu ăn thì với người dân Tây Bắc, hạt mắc khén cũng có vai trò quan trọng cho các món ăn nơi đây. Hãy cùng Đặc sản Quê tui vi vu về vùng núi Tây Bắc để khám phá thứ gia vị này nhé!
1. Hạt mắc khén là gì? Có nguồn gốc từ đâu?
Hạt mắc khén hay còn gọi là má khén, thuộc họ cam, người dân Tây Bắc còn gọi là cóc hôi hay hoàng mộc hôi. Mắc khén là loại cây gỗ, hoa nở thành từng chùm có mùi rất thơm như tinh dầu. Hoa kết thành quả có màu xanh khi sống, lúc chín chuyển sang màu đỏ như quả vải, hạt có màu đen. Hạt mắc khén được ví như hạt tiêu rừng với mùi thơm đặc trưng của tinh dầu.
Mắc khén được dùng phổ biến ở người dân tộc Thái đen. Từ xa xưa, người Thái khi đi rừng thường quan niệm rằng, các thú săn được là do thần rừng ban tặng, nên họ sẽ phải để lại nội tạng động vật ở lại rừng, chỉ ăn phần thịt. Chính vì vậy, việc ăn thịt động vật sau khi săn được tại rừng là rất phổ biến. Để chế biến món ăn ngay tại rừng, người Thái đã phát hiện ra thứ gia vị đặc biệt có hương thơm phù hợp cho các món thịt nướng.
Hạt mắc khén dần được phổ biến không chỉ riêng với người Thái đen mà còn cả những người dân vùng núi Tây Bắc. Không chỉ ở các món nướng mà mắc khén còn được dùng phổ biến trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong các mâm cơm của người dân Tây Bắc.
2. Gia vị mang linh hồn của núi rừng Tây Bắc
Có nguồn gốc từ vùng núi rừng Tây Bắc, mắc khén được xem là thứ gia vị đặc trưng với hương thơm nồng, vị cay. Mắc khén so với tiêu có phần đậm vị hơn, so với cam thì có phần dịu hơn, đặc biệt khi kết hợp với hạt dổi lại càng nổi bật, đây là hai loại gia vị đặc trưng của Tây Bắc.
Hạt mắc khén tươi có vị thơm và ngon nhất, nhưng để bảo quản được lâu thì thường được rang hoặc phơi khô. Từ đó cũng dễ chế biến và sử dụng lâu dài hơn, trở thành một gia vị linh hồn của từng món ăn vùng Tây Bắc. Mắc khén không chỉ là gia vị mà còn là một vị thuốc với tính kháng khuẩn, giữ ấm. Vậy nên ngoài công dụng tạo nên hương vị thơm ngon của món ăn, mắc khén còn mang đến lợi ích sức khỏe cho người ăn.
Vậy nên, với hầu hết các món ăn, người Thái đều thêm hạt mắc khén tươi hoặc mắc khén đã qua sơ chế vào. Chỉ cần ngửi thấy mùi mắc khén thì chắc hẳn bạn đang thưởng thức một món ăn chính gốc Tây Bắc.
3. Sơ chế mắc khén
Hiện nay, trên thị trường, mắc khén thường chỉ bán ở dạng hạt hoặc bột khô. Đối với hạt khô, bạn cần phải sơ chế trước để có thể làm nổi bật và phát huy hết mùi vị của nó. Tương tự như hạt vừng, bạn có thể rang hạt mắc khén khô với chảo nóng để dậy mùi thơm. Để bảo quản sau rang, bạn có thể nghiền nhỏ mắc khén ra thành bột và sử dụng dần.
Còn với mắc khén bột bán sẵn, bạn không cần sơ chế mà có thể sử dụng ngay. Dùng để ướp thịt, cá, đặc biệt là các món chiên nướng sẽ càng phù hợp hơn.
4. Các món ăn kết hợp với mắc khén
Như đã nói, mắc khén có thể kết hợp với bất kỳ món ăn nào. Nhưng để có thể cảm nhận được rõ rệt nhất mùi vị của mắc khén, bạn chớ quên sự kết hợp của các món nướng, chiến dân dã đúng chất vùng núi rừng.
Gà nướng mắc khén: là món ăn phổ biến và quen thuộc đối với người dân vùng Tây Bắc. Mắc khén được tẩm ướp cùng các gia vị khác khi sơ chế gà, khi nướng lên sẽ vô cùng dậy mùi hương đầy thu hút. Đây được xem là món ăn đơn giản dễ dàng chế biến mà lại mang một nét đặc trưng khó cưỡng đối với du khách gần xa.
Thịt lợn đen nướng: đây cũng là một trong những món ăn đặc sản Tây Bắc mà nhất định bạn phải thử khi ghé qua. Tương tự, hạt mắc khén cũng được sử dụng như một gia vị ướp mang đến hương thơm và mùi vị đậm đà cho món ăn.
Thịt gác bếp: đối với người dân vùng núi Tây Bắc thì các món gác bếp được xem là đặc sản quý giá và mùa đông. Các loại thịt như thịt cừu, thịt dê, thịt bò, thịt lợn đều được người dân tẩm ướp với mắc khén và lưu trữ bằng cách gác bếp để ăn dần trong mùa đông. Dần nó trở thành đặc sản nổi tiếng nơi đây.
Làm chẩm chéo: mắc khén cũng là một loại gia vị không thể thiếu của thức chấm muối chẩm chéo quen nổi tiếng. Chẩm chéo được làm từ hạt mắc khén, ớt khô, muối tạo nên một loại thức chẩm đặc trưng chua cay cực bắt.
Với những đặc trưng khó cưỡng của hạt mắc khén mà hiện nay không khó để bạn mua được hạt mắc khén ở bất cứ đâu. Bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng hay siêu thị trên toàn quốc. Không cần phải đến Tây Bắc, bạn cũng sẽ được thưởng thức món ngon chuẩn vị với linh hồn của nơi đây – mắc khén.