Tré trộn Bình Định không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ ngoài độc đáo, lạ kỳ mà còn khiến người thưởng thức say mê với hương vị ngon vấn vương. Món tinh hoa ẩm thực đất võ Bình Định này có gì mà đặc sắc đến thế? Hãy cùng Đặc Sản Quê Tui tìm hiểu.
Nguồn gốc của tré trộn – đặc sản Bình Định
Món tré đã có mặt tại vùng đất võ Bình Định từ rất lâu, đến mức không ai biết về nguồn gốc của nó. Chỉ biết rằng tré đã trở thành món ăn quen thuộc của mọi nhà trong các dịp Tết và trong những dịp nhậu nhẹt, tiếp đãi khách gần xa của người dân xứ này. Đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến xuân về, trong mâm cơm gia đình, tré trộn là món ăn không thể thiếu.
Cách làm món tré trộn Bình Định
Món tré trộn đặc sản Bình Định có vẻ ngoài dân dã, lạ mắt. Mỗi tré được gói bằng rơm khô, buộc chặt hai đầu, còn phần bên trong là thịt tré.
Theo công thức của người dân Bình Định, món thịt tré được chia làm 2 phần: thịt đầu heo và thịt ba chỉ. Phần thịt đầu gồm có tai, mũi và miệng của lợn, được ngâm vào muối để khử sạch mùi, sau đó đem đi luộc chín kỹ và vớt ngay ra nước lạnh. Để khi trộn, thịt tré không bị dính mà giòn, thấm thính hơn. Phần gia vị nêm nếm tré trộn bao gồm: mè, tỏi, hạt tiêu, muối, riềng. Và đặc biệt là phần nêm nếm thính và bột nêm cho tré phải thật vừa miệng.
Cách gói tré Bình Định
Sau khi tré trộn được tẩm ướp gia vị đầy đủ, người ta gói tré trong lá ổi để dậy vị thơm hương. Người ta cố định tré bằng lớp rơm khô bên ngoài, cố định bằng lạt tre được chẻ mỏng và được buộc chắc bằng dây nylon. Khoảng 2-3 ngày sau, tré trộn bắt đầu lên men, dậy mùi thơm đặc trưng của riềng và vị chua nhẹ. Lúc này, người ta đã có thể bỏ tré ra tiếp đãi du khách phương xa.
Cách gói tré trộn đặc sản Bình Định cũng khá cầu kỳ. Người dân phải phơi rơm khô tự nhiên sau khi đập bỏ hạt, sao cho rơm vẫn dậy mùi lúa chín. Bên cạnh đó, lá ổi bọc bên ngoài tré trộn là những lá ổi già, để tré giữ mùi thơm đậm, đặc trưng. Mỗi lá đều đã được rửa sạch trước khi gói tré.
Thưởng thức món đặc sản Bình Định – Tré trộn
Tré trộn là món đặc sản thơm ngon, mộc mạc, chân tình. Bạn sẽ cảm nhận được tất thảy hương lúa chín quá rơm gói tré, mùi lá ổi già hay mùi đặc trưng của tré. Cách thưởng thức tré trộn ở mỗi miền cũng có phần khác nhau.
Khi thưởng thức tré trộn, người ta bỏ lớp rơm khô bên ngoài, sau đó dùng đũa đánh tơi phần thịt tré bên trong. Phần lớn đều giữ lại lá ổi bên ngoài để ăn kèm cùng thịt tré bên trong. Nhưng cũng có nhiều nơi ăn tré cuốn cùng rau sống, chấm nước mắm tỏi lạ miệng, cuốn hút. Tré trộn ngon là nhờ ăn đúng thời điểm lên men, đem lại đủ độ chua, ngọt đậm đà. Nếu thưởng thức tré trộn sau quá lâu thì chỉ còn lại vị chua, mất đi vị ngon vốn có.
Ở miền Trung, người ta ăn tré với tỏi được muối chua hoặc ăn với bánh đa và đủ loại rau sống như đu đủ, chuối xanh, dưa chuột,… Từng miếng tré trộn được chấm cùng tương ớt hoặc nước mắm tỏi ớt dậy vị. Tré Bình Định thường được dùng như món khai vị trước các bữa tiệc. Có những nơi, người ta dùng đĩa đánh tơi tré, trộn cùng chanh, ớt, lạc và lá húng quế và thưởng thức.
Nếu bạn dùng tré đặc sản Bình Định ở ngay tại vùng đất võ này, thì chẳng thể nào không thưởng thức cùng rượu Bàu Đá, thức rượu đặc sản trứ danh. Hương vị cay nồng của từng ngụm rượu Bàu Đá cùng vị chua nhẹ và ngọt ngào của tré trộn khiến người ta chẳng thể nào quên món ăn độc đáo này.
Cách bảo quản tré trộn và địa điểm mua tré Bình Định
Khi mua tré về làm quà cho bạn bè, người thân, du khách nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu chưa sử dụng trong thời gian dài, nên để vào tủ lạnh ngăn đá để bảo quản. Tré trộn nên được sử dụng trong vòng 3-4 tuần sau khi mua về.
Món tré trộn ngon nhất là khi thưởng thức tại vùng đất Bình Định. Ngoài ra, ở khắp các tỉnh miền Trung, tré trộn cũng là món đặc sản nổi tiếng, thường thấy tại các hàng xe đẩy hoặc trong hàng quán.
Tré trộn là món đặc sản Bình Định dân dã, mộc mạc, lạ miệng mà bạn nhất định phải thử nếu có dịp ghé thăm mảnh đất võ này. Món tré không chỉ có hương vị thơm ngon, níu giữ tâm hồn du khách mà còn là món quà tinh hoa xứng đáng gói về làm quà cho bạn bè, người thân.