Khóm Cầu Đúc – Đặc sản trứ danh Hậu Giang có gì đặc biệt?

khom-cau-duc

Khóm Cầu Đúc – loại trái cây đặc sản tại Hậu Giang. Khóm Cầu Đúc không chỉ có hương vị giòn ngọt được dùng để ăn tươi hoặc chế biến ra những món ngon như kho cá, nấu canh chua,… Để biết tại sao loại khóm này lại được xem là đặc sản của một vùng, cùng Đặc sản Quê tui khám phá nhé!

Giới thiệu đặc sản Hậu Giang – Khóm Cầu Đúc

Nếu bạn có dịp ghé thăm Hậu Giang nhất định sẽ không quên hình ảnh của một làng quê yên bình, những vườn trái cây bát ngát. Đến Hậu Giang ngoài việc khám phá những danh lam thắng cảnh bạn đừng quên thưởng thức những món ngon – đặc sản Hậu Giang.

Một số món ngon bạn nên thử khi đặt chân đến Hậu Giang: Chả cá thác lác Hậu Giang, Bưởi Năm Roi Phú Hữu, Quýt đường Nam Trị, Cam Sành Ngã bảy,… Và đặc biệt là món Khóm Cầu Đúc

khom-cau-duc-hau-giang
Vườn khóm Cầu Đúc tại Hậu Giang 

Đặc trưng Khóm Cầu Đúc

Nguồn gốc

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Khóm Cầu Đúc xuất hiện trên mảnh đất Vị Thanh vào khoảng những năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy giống tốt nên nhân số lượng lớn ra khắp bờ sông Cái Lớn. 

khom-cau-duc
Khóm Cầu Đúc được trồng ven bờ sông Cái 

Tên Khóm Cầu Đúc được hình thành khi tại Sông Cái Lớn có cây cầu Đúc bắc ngang. Nơi tấp nập người qua lại, có người bán người mua. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và tên “Khóm Cầu Đúc” được ra đời.

Ban đầu loại khóm này chỉ được một vài hộ dân trồng. Về sau thấy khóm ngon, dễ trồng nên người dân đua nhau nhân giống khắp bờ sông Cái. 

Đặc điểm Khóm Cầu Đúc

Hình dáng Khóm 

Đặc điểm của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã. Cụ thể mắt lồi, cuống ngắn, hốc mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. 

Do đặc thù của thổ nhưỡng nên khóm ở khu vực Hậu Giang có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm và ăn rất ngon miệng. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10 – 15 ngày mà không hư.

Điều kiện trồng 

Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa tháng 4 – tháng 5.

Cây khi trưởng thành cao trên 1 mét, trọng lượng từ 1,5-2kg/trái, năng suất trung bình 20 tấn/ha. 

Những món ăn chế biến từ khóm 

Với người dân Hậu Giang, Khóm Cầu Đúc được tận dụng từ gốc đến ngọn mà không bỏ sót một phần nào. 

Chế biến sản phẩm đa dạng 

Các sản phẩm từ khóm được người dân sáng tạo rất đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, mứt, kẹo, rượu, nước giải khát có ga… Lá khóm được dùng để chế biến thành sợi, bột giấy. Còn bã khóm tưởng là thứ vứt đi cũng được dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. 

ep-khom
Nước ép khóm thanh mát ngày hè 

Chế biến món ăn ăn 

Có một truyền thống thú vị là bất cứ đám tiệc, lễ, Tết nào cũng có sự góp mặt của khóm: khóm ăn sống tráng miệng, mứt khóm, gà hấp khóm,… Ngoài ra, trái khóm còn là “linh hồn” của nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị đồng quê như thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, canh chua khóm nấu với cá rô đồng hay khóm kho với cá he, cá trê, cá mè vinh… 

banh-xeo-cu-hu-khom
Bánh xèo củ hủ khóm 

Có dịp ghé thăm Hỏa Tiến vào những ngày thu hoạch khóm, du khách sẽ thật sự thích thú khi được hòa mình vào không khí lao động rộn ràng khắp nơi. Thanh niên tích cực chặt trái. Phụ nữ thì góp nhặt, tỉa ngọn và đưa lên xe chuyển về.

Lưu ý khi chọn mua khóm 

Để chọn lựa những quả Khóm Cầu Đúc thơm ngọt, bạn nên lưu ý những đặc điểm sau:

Màu sắc

Màu sắc là điều đầu tiên cần quan sát khi bạn quyết định chọn mua khóm.

Phần cuống là nơi cho biết độ ngọt của trái. Nếu trái khóm có màu vàng tươi từ cuống cho đến phần cuối hoặc vài chỗ hơi xanh thì trái đã chín, ngọt. Trái vàng đều thì độ ngọt càng cao. Nếu khóm không đều màu và có những chấm nâu đậm, vàng đồng hay vàng ngả sang đỏ thì trái đã chín quá mức. Không nên chọn trái khóm còn xanh, vì trái chưa chín và cũng không thể chín sau khi mua. 

Hình dáng

Khóm ngắn quả (dáng tròn bầu) thì có nhiều thịt hơn quả dài (dáng ống dài). 

Mắt Khóm: Nên chọn quả có mắt lớn và càng thưa càng tốt để sau khi gọt bỏ hết mắt khóm sẽ có được phần cùi dày. 

Mùi thơm

Để kiểm tra mức độ tươi và chín của khóm Cầu Đúc, bạn có thể ngửi mùi ở phần cuối của trái. Nên chọn những trái có mùi thơm ngọt và tươi. Nếu tỏa mùi quá ít hoặc không có mùi là do trái chưa chín. Ngược lại những trái quá chín sẽ có mùi hơi chua kiểu lên men, tựa như mùi giấm hoặc mùi quá ngọt. 

Cảm nhận bằng tay

Trái khóm chín quá mức sẽ bị mềm, bạn sẽ cảm nhận được điều này khi sờ bằng tay. Lớp vỏ của trái quá chín thường bị nhăn. Những trái tươi, vừa chín tới sẽ không quá cứng cũng không quá mềm, nhấn ngón tay vào vỏ sẽ không bị lõm vào. Phần vỏ có nấm mốc, rỉ nước hay bị nứt là những dấu hiệu cho thấy trái Khóm đã bị hư hỏng. 

Phần ngọn: 

Phần ngọn tươi xanh luôn được yêu thích. Những trái Khóm Cầu Đúc quá chín thường có phần ngọn khô và ngả sang màu nâu với những chiếc lá đang rụng rơi.

Nên lựa chọn những sản phẩm tươi mới, nguyên vẹn, không bị dị dạng, không bị dập úng. Vỏ màu xanh, có mắt gần cuống có màu vàng, các mắt khóm nở to đều. Quả để nguyên cuống, lá và đầu bông. Cuống còn tươi, dấu vết của cuống còn mới, không bị khô cứng.

khom-cau-duc
Lựa chọn khóm tươi mới, không bị dị dạng hay héo úa 

Cuối cùng, Khóm Cầu Đúc – Đặc sản Hậu Giang, loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon. Bạn có thể mua tại Hậu Giang hoặc mua qua phân phối từ các thương lái. Khóm sẽ ngon hơn khi chế biến vừa phải, giữ được hương vị. Nếu có dịp ghé ngang Hậu Giang thì đừng quên mua loại quả này nhé!

Chia sẻ
Web5K - Thiết kế website giá rẻ chuẩn seo

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi